7 bước giúp bạn quyết định: Có nên theo đuổi CFA?

Chia sẻ ngay

7 bước giúp bạn quyết định: Có nên theo đuổi CFA? - ảnh 1

Mỗi năm có hơn 160,000 thí sinh tham dự kỳ thi CFA trên toàn thế giới. Điều này chứng tỏ sức ảnh hưởng của CFA đối với một số lượng đối tượng tương đối lớn, nhất là những người hành nghề trong lĩnh vực tài chính đầu tư. Vì vậy cũng không ngạc nhiên nếu như chính bạn cũng đang cân nhắc lựa chọn chương trình CFA trong lộ trình phát triển bản thân sắp tới.

07 bước dưới đây sẽ giúp bạn kiểm tra xem quyết định học và thi CFA có thực sự phù hợp với bản thân không?

1. Tìm hiểu những điều cần thiết để đạt được danh hiệu CFA Charter

Trước khi đạt được danh xưng CFA đằng sau họ tên của mình, các bạn cần phải trải qua 03 kỳ thi sát hạch được tổ chức hàng năm của Viện CFA với mức độ khó tăng dần: Kỳ thi level 1 gồm 2 buổi thi, mỗi buổi là một bài trắc nghiệm 120 câu hỏi độc lập, mỗi câu 03 đáp án; Kỳ thi level 2 gồm 2 buổi thi, mỗi buổi có 10 bộ câu hỏi, mỗi bộ gồm 06 câu hỏi liên quan đến nhau, dưới dạng trắc nghiệm 03 đáp án; Kỳ thi level 3 gồm 2 buổi thi, buổi thi sáng có dạng viết luận, và buổi thi chiều là 10 bộ câu hỏi, mỗi bộ gồm 06 câu hỏi liên quan đến nhau, dưới dạng trắc nghiệm 03 đáp án.

Để hoàn thành kỳ thì của cả 03 level, tối thiểu mỗi thí sinh cần ít nhất 02 năm và trung bình là 04 năm; với thời lượng học dành cho mỗi level đảm bảo tối thiểu là 302 giờ trước kỳ thi.

Tổng chi phí đăng ký thi và tài liệu học, tùy thuộc từng cá nhân, sẽ dao động từ $2,500 đến $8,500.

Vậy, sau khi hoàn thành 03 kỳ thi với kết quả mỹ mãn, bạn cần thêm điều gì để nhận CFA Charter?

Thứ nhất, mỗi thành viên của Hiệp hội CFA cần cam kết đề cao quy chuẩn đạo đức nghề nghiệp ở mức cao nhất. Lời cam kết này tuy đơn giản nhưng rất quan trọng trong quá trình đăng ký CFA Charter.

Tiếp theo, mỗi cá nhân cần đăng ký trở thành thành viên của 02 Hiệp hội – một của Viện CFA và một của cộng đồng CFA địa phương; đồng thời đảm bảo tối thiểu 04 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tài chính đầu tư.

Và sau cùng là có được sự giới thiệu từ 03 thành viên CFA Charter.

2. Hiểu rõ những điểm khác biệt giữa CFA và các chứng chỉ nghề nghiệp khác

Chẳng hạn, bạn đang phân vân có nên tham dự kỳ thi CFA hay kỳ thi lấy chứng chỉ khác. Điều bạn cần làm là tìm hiểu chính xác những phẩm chất nghề nghiệp căn bản mà mỗi loại chứng chỉ hành nghề yêu cầu; bên cạnh đó là những chi phí về thời gian, tiền bạc mà bạn cần bỏ ra để đạt được những tiêu chuẩn đó.

Lấy một ví dụ khá phổ biến và thực tế hiện nay, đó là nhiều bạn cân nhắc giữa CFA và MBA – Cái nào sẽ là lựa chọn tốt hơn? Tất nhiên, câu trả lời còn tùy thuộc vào mỗi người.

Thực ra, rất khó để so sánh CFA và MBA vì căn bản là 02 chương trình này khác nhau về bản chất và đáp ứng những đặc thù nghề nghiệp khác nhau. Tuy nhiên, chúng ta sẽ cùng làm rõ một chút khác biệt giữa hai chương trình này sau đây, dựa trên những lợi ích đem lại trên con đường sự nghiệp cũng như những chi phí cần thiết phải bỏ ra cho từng chương trình:

– CFA là quy chuẩn trong ngành tài chính: Nếu như bạn đang định hướng theo đuổi sự nghiệp trong công việc quản lý tài sản, quản lý đầu tư, phân tích thị trường cổ phiếu hoặc tư vấn xếp hạng tại các tổ chức tài chính, thì CFA chính là lựa chọn dành cho bạn. Không chỉ giới hạn trong những ngành nghề kể trên, CFA cũng có độ tín nhiệm cao đối với các vị trí trong và ngoài ngành dịch vụ tài chính

– MBA thích hợp hơn đối với những ngành khác ngoài tài chính: Một số ngành nghề như quảng cáo hay công nghiệp sản xuất, chế tạo thì MBA trở nên thích hợp hơn. Vì vậy, khi không chắc chắn về ngành nghề lựa chọn sau này, MBA là một giải pháp hợp lý.

– CFA có thời gian linh hoạt và hiệu quả hơn: Điều này được lý giải như sau, CFA là chương trình có thể tự học và học được từ xa, và trong quá trình học có thể đồng thời tích lũy kinh nghiệm làm việc thực tế trước khi đăng ký CFA Charter. Trong khi đó, MBA thường yêu cầu cam kết 02 năm học tập tại một đơn vị giáo dục uy tín, điều này tạo nên một khoản chi phí cơ hội khá lớn đối với người học MBA.

– MBA có thể cần ít thời gian hơn so với CFA: Có vẻ mâu thuẫn với điều trên? Thực ra, so sánh thời gian cần thiết để một người nào đó đạt được MBA hay CFA Charter dựa trên thời gian họ bỏ ra để hoàn thành mỗi chương trình. Trong khi thời gian trung bình đối với CFA là 04 năm, thì của MBA chỉ là 02 năm. Và một điều lưu ý nữa đó là CFA Charter còn yêu cầu 04 năm kinh nghiệm làm việc.

– CFA dường như tốn kém tiền bạc ít hơn MBA: Chi phí cho CFA tuỳ thuộc vào số lần bạn tham dự thi và những chi phí dành cho tài liệu học tập. Khoản chi tiêu này thường dao động từ $2,500 đến $8,500, và có thể lên tới $15,000 trong trường hợp bạn phải thi đi thi lại nhiều lần. Còn MBA thì sao? Chi phí có thể lên tới $200,000 cho cả chương trình học, cộngr thêm chi phí cơ hội bỏ ra khi cam kết gắn bó toàn thời gian với chương trình MBA. Như vậy, CFA dường như ít tốn kém hơn so với MBA.

CFA và MBA đều có những ưu thế nổi trội trong các ngành và lĩnh vực liên quan, không chỉ về những kiến thức và kinh nghiệm làm việc, mà còn là mạng lưới các mối quan hệ mà bạn có thể đạt được. Như vậy, lựa chọn chương trình nào để theo đuổi, tất thảy đều tùy thuộc vào mục tiêu cá nhân cũng như tình hình hiện tại của bạn. Nếu lựa chọn sự nghiệp trong ngành tài chính thì CFA là con đường bạn nên đi. Và nếu lựa chọn thăng tiến sự nghiệp ngoài ngành tài chính, và giữa đa dạng các ngành nghề khác nhau, thì MBA là con đường thích hợp hơn.

Xem thêm: Chứng chỉ CFA – Chartered Financial Analyst học ở đâu chất lượng

3. Trả lời câu hỏi tại sao CFA lại là lựa chọn của rất nhiều người

– CFA giúp thăng tiến trong sự nghiệp: Trong ngành tài chính, cụ thể như những vị trí công việc như chuyên viên phân tích trong công ty chứng khoán hay các quỹ đầu tư, hoặc một số vị trí như chuyên viên ngân hàng hay kế toán-kiểm toán; CFA dần đang trở thành một trong những lợi thế và yêu cầu không thể thiếu trong bản mô tả công việc khi tuyển dụng.

– CFA cung cấp nền tảng kiến thức vững vàng về tài chính: Tài liệu dành cho chương trình CFA được Viện CFA soạn khá công phu với hàm lượng kiến thức lớn về mọi mặt của tài chính đầu tư. Và các thành viên đạt CFA charter đều có nền tảng kiến thức chuyên môn rất tốt, và là những chuyên gia trong ngành.

– CFA được công nhận trên toàn thế giới.

Ngoài ra, còn rất nhiều lợi ích khác mà chương trình CFA mang lại, như vị trí công việc tốt hơn, đảm bảo thu nhập ở mức cao hơn,… Và tất nhiên, những lợi ích đó hoàn toàn xứng đáng với những gì công sức bỏ ra khi theo đuổi chương trình CFA và sử dụng kiến thức một cách khôn ngoan trong công việc.

4. Thử làm bài kiểm tra mẫu trên trang chủ của Viện CFA

Cách tốt nhất để hiểu về chương trình CFA đó là tìm hiểu về bài kiểm tra mẫu trên trang website chính thức của chương trình. Những bài kiểm tra mẫu cũng như tài liệu học thuật của CFA đều đươc cập nhật hàng năm.

Thử đọc và làm trước những bài kiểm tra này sẽ là một cách giúp bạn đánh giá xem liệu kiến thức của bản thân mình có phù hợp với chương trình hay không.

5. Xác định con đường sự nghiệp cũng như vị trí công việc mong muốn trong thời gian tới

Mặc dù CFA không phải là một “tấm vé vàng” đưa chúng ta thẳng tiến tới công việc mơ ước, nhưng không quá khi nói rằng CFA Charter là quy chuẩn nghề nghiệp ở mức cao nhất trong ngành tài chính. Có rất nhiều vị trí công việc yêu cầu kiến thức và kỹ năng đến từ chương trình CFA:

– Chuyên viên quản lý tài sản;

– Chuyên viên quản lý danh mục đầu tư;

– Chuyên viên Phân tích tài chính;

– Chuyên viên IB;

– Chuyên viên Tài chính doanh nghiệp;

– Chuyên viên Phát triển kinh doanh;

– Nhà đầu tư mạo hiểm;

– Môi giới chứng khoán;

– Chuyên viên Pháp chế;

Và rất nhiều cơ hội nghề nghiệp khác…

Vậy nên, trước khi bước vào thị trường việc làm, việc đánh giá bản thân cũng rất quan trọng, nếu như định hướng và khả năng của bản thân phù hợp với yêu cầu của những công việc trên, thì CFA là một lựa chọn không thể thiếu trong bước đường sự nghiệp.

6. Lắng nghe ý kiến từ những người đi trước

Một trong những cách đơn giản và hữu ích đó là tham khảo ý kiến từ những người đã và đang tham dự chương trình CFA. Những trao đổi quý báu đó, cộng thêm việc nhìn nhận từ bản thân sẽ giúp chúng ta có cái nhìn toàn cảnh hơn về CFA, đồng thời cũng thu được những kinh nghiệm xương máu áp dụng cho bản thân mà không phải trả giá quá nhiều.

Hiện nay, thông tin về CFA cũng có thể được tìm thấy trên các phương tiện thông tin đại chúng, như các trang web, facebook của Viện CFA, cũng như các cơ sở đào tạo về CFA trên toàn thế giới. Ở đó đều có những thông tin chúng ta cần, việc quan trọng là lựa chọn cho phù hợp với những điều kiện của bản thân.

7. Tham dự Workshop để có thêm nhiều thông tin hữu ích, hoặc trải nghiệm 1 khóa học CFA với chi phí vừa phải

Lựa chọn đáng tin cậy nhất dành cho bạn vẫn chính là việc bạn có thể tự trải nghiệm để đưa ra quyết định. Thông qua một chương trình Workshop về CFA bạn có sẽ được giải đáp những câu hỏi mà mình còn băn khoăn, được tư vấn về nhiều khía cạnh xung quanh việc học và thi chứng chỉ này, và đặc biệt bạn sẽ nhanh chóng rút ra được tính phù hợp của nó đối với riêng điều kiện của bản thân bạn.
Một số bạn học CFA chọn cho mình phương pháp học thử, nhưng theo ILIAT, chỉ với 1 hay 2 buổi học khó có thể giúp bạn điều gì. Bởi tính chất đặc biệt mà CFA có không giống với các loại chứng chỉ khác đó là tính bền bỉ. Bạn sẽ theo đuổi CFA trong thời gian dài, có thể lên đến vài năm, liên tục nỗ lực học tập. Và tất nhiên việc sở hữu CFA Charter cùng những giá trị của nó mang lại chính là sự đền đáp cho nhiều năm ròng rã ấy.

Những kinh nghiệm trên hy vọng đã giúp bạn phần nào định hướng được những bước đi tiếp theo trước khi ra quyết định học chứng chỉ CFA.

Theo iliat.org

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *