Đánh giá “thái độ quan trọng hơn trình độ”, doanh nhân Hannah Nguyễn: ‘Đừng đòi hỏi mình được gì mà hãy xem bản thân đã cống hiến được gì’

Chia sẻ ngay

“Tất cả những người quản lý cấp cao mà mình từng gặp đều đồng ý một điểm rằng: Họ thà nhận một nhân viên chưa giỏi nhưng có thái độ tốt, còn hơn là nhận một bạn nhân viên giỏi mà không có thái độ tốt. Có thái độ tốt thì người ta còn kiên nhẫn hướng dẫn để từ từ giỏi lên.”

Đánh giá "thái độ quan trọng hơn trình độ", doanh nhân Hannah Nguyễn: 'Đừng đòi hỏi mình được gì mà hãy xem bản thân đã cống hiến được gì'

Hannah Nguyễn từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như brand manager cho 23 thương hiệu mỹ phẩm, general manager cho VinDS Beauty… Hiện tại, chị đang vận hành công ty riêng của mình, với 3 mảng kinh doanh chính là spa chăm sóc và phục hồi da và đồ ngủ.

Ngoài ra, chị còn vận hành blog HannahOlala chuyên chia sẻ các kiến thức, kinh nghiệm làm đẹp cũng như những chủ đề liên quan đến cuộc sống, hôn nhân cũng như công việc, sự nghiệp… Mới đây, chia sẻ về việc có thái độ tốt trong công việc giúp ích rất nhiều trong con đường sự nghiệp của chị đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ. Trình độ không quan trọng bằng thái độ, dù có giỏi giang đến cỡ nào mà thái độ với công việc không đúng đắn thì cũng chẳng có công ty nào trọng dụng tài năng ấy cả.

“Mấy năm trước mình làm tư vấn cho một tập đoàn. Trong team làm chung với mình có một bạn sinh viên mới ra trường để lại ấn tượng với mình nhiều nhất. Bạn làm việc chăm chỉ, thông minh, và quan trọng nhất là thái độ quá tuyệt vời. Bạn dễ thương tươi cười suốt. Làm chưa đúng mình góp ý còn cười và cảm ơn mình. Lần nào làm việc với bạn ấy mình cũng thấy dễ chịu và còn hẹn hò ăn uống bên ngoài. Có hôm mình nói với bạn là, “Em làm tốt và lại có thái độ tốt như vậy, chắc chắn em sẽ tiến xa trong sự nghiệp của mình.”

Đúng như vậy thật, chỉ một thời gian ngắn sau đó bạn được thăng chức, rồi một thời gian sau đó nữa bạn rời khỏi tập đoàn và đang làm vị trí cao hơn ở một tập đoàn lớn khác. Mình chắc là bạn sẽ còn tiến rất xa trong sự nghiệp, bởi người giỏi thì có thể nhiều nhưng người giỏi và kèm với thái độ tốt như bạn thì thật sự không nhiều.

Nhiều người không nhận ra, là thái độ của mình góp phần đem đến sự thành công cho mình nhiều hơn cả kiến thức và kinh nghiệm. Ngay cả mình ngày xưa cũng không biết được điều này. Nếu có thể quay ngược thời gian, mình sẽ thay đổi thái độ của mình trước. Chẳng ai thích làm với một đứa suốt ngày mặt sưng như cái mâm. Sếp chỉnh xíu thì gân cổ lên cãi. Đồng nghiệp làm chung cũng ngại góp ý vì sợ chạm tự ái.

Đánh giá thái độ quan trọng hơn trình độ, doanh nhân Hannah Nguyễn: Đừng đòi hỏi mình được gì mà hãy xem bản thân đã cống hiến được gì - Ảnh 1.
Tất cả những người quản lý cấp cao mà mình từng gặp đều đồng ý một điểm rằng: Họ thà nhận một nhân viên chưa giỏi nhưng có thái độ tốt, còn hơn là nhận một bạn nhân viên giỏi mà không có thái độ tốt. Có thái độ tốt thì người ta còn kiên nhẫn hướng dẫn để từ từ giỏi lên. Còn giỏi mà thái độ tệ thì người ta có thể cần trong một thời gian ngắn chứ không ai muốn gắn kết lâu dài cả. Tệ hơn nữa là đã dở rồi mà còn có thái độ không tốt thì thôi miễn bàn.

Vậy làm thế nào để trở thành một nhân viên có thái độ tốt?

– Tránh xa những đồng nghiệp có thái độ tiêu cực, mặt sưng xỉa, dễ tự ái. Ở gần dễ bị lây đó.

– Hãy làm việc có tâm và có trách nhiệm. Đừng làm cho có, cho xong, mà hãy bỏ tâm huyết, làm tốt nhất có thể. Đừng nghĩ làm vậy là có lợi cho công ty, thiệt cho mình. Mà ngược lại nó sẽ giúp mình phát triển bản thân, thăng tiến, sau này đi đâu cũng được trọng dụng.

– Thân thiết với đồng nghiệp là tốt vì nó giúp mình thích đi làm hơn. Nhưng tụm lại ngồi lê đôi mách nói xấu cả thế giới sẽ tạo ra năng lượng tiêu cực, làm cho bản thân mình khó chịu trước đó. Vậy nên, hãy tránh làm “bà tám” ở công ty.

– Cùng một ý mà cách thể hiện, cách sử dụng câu từ sẽ có cách truyền đạt khác nhau. Vậy nên, hãy để ý đến những từ ngữ mình sử dụng. Xem có cách nào mình có thể dùng từ nhẹ nhàng hơn mà vẫn truyền đạt được ý không? Người nói chuyện dễ thương ai cũng quý mến và thích làm việc cùng. Kết quả là công việc mình sẽ suôn sẻ và nhẹ nhàng hơn.

Đánh giá thái độ quan trọng hơn trình độ, doanh nhân Hannah Nguyễn: Đừng đòi hỏi mình được gì mà hãy xem bản thân đã cống hiến được gì - Ảnh 2.
– Hãy tách rời công việc và tình cảm cá nhân. Bạn có thể tranh luận nảy lửa trong công việc nhưng sau giờ làm vẫn có thể đi uống vài ly cocktail với nhau. Điều này mình thấy các bạn Tây làm rất tốt nè.

– Không ai có thể biết tất cả nên hãy có tư duy cởi mở. Khi người khác hướng dẫn mình hoặc chỉ ra cái sai cho mình thì đừng tự ái hoặc khó chịu. Có “open mind” sẽ giúp mình phát triển và học được nhiều điều mới hơn.

– Tuyệt đối đừng trả lời email khi đang bực. Đợi một thời gian khi mình dịu lại rồi hãy bình tĩnh trả lời.

– Công ty nào cũng có mặt mình thích và mặt mình không thích. Nếu chỉ nhìn vào khuyết điểm thì bạn sẽ cảm thấy rất ức chế khi đi làm. Vậy nên hãy tập nhìn ưu điểm của nó để mình cảm thấy phấn chấn hơn. Nếu bạn không thấy được ưu điểm gì nữa thì tốt nhất nên xin nghỉ và tìm việc khác. Vì đi làm với một tâm thế bực bội và ức chế thì bạn sẽ không thể làm tốt được, điều này không công bằng cho bản thân bạn và cả người trả lương cho bạn.

– Đừng chỉ chăm chăm đòi hỏi xem mình được gì mà hãy nghĩ xem mình đã cống hiến được gì trước. Nhất là thời điểm này, giữ được việc cũng là một sự may mắn rồi đó.”

PV

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *