Hai thành phố ‘đầu tàu’ sẵn sàng đón đầu EVFTA

Chia sẻ ngay

(TBTCO) – Hiệp định Thương EVFTA dự kiến có hiệu lực trong tháng 7/2020, sẽ mở ra cánh cửa rộng lớn cho hàng Việt xuất sang EU. Hiện các thành phố “đầu tàu” như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực để đón đầu hiệp định.

TP Hồ Chí Minh: Khai thác về chiều sâu để chinh phục thị trường khó tính EU

Theo đại diện UBND TP. Hồ Chí Minh, EU hiện là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam và là thị trường xuất siêu truyền thống của TP. Hồ Chí Minh, là đối tác xuất khẩu lớn thứ 3 sau Hoa Kỳ, Trung Quốc, cũng là đối tác nhập khẩu lớn thứ 2 của thành phố sau Trung Quốc.

Thống kê của Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh cho thấy, hiện kim ngạch xuất khẩu sang EU chiếm tỷ trọng khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu đạt 5,01 tỷ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu đạt 3,56 tỷ USD, tăng 0,6% so với cùng kỳ. Riêng 5 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,6 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu đạt 940 triệu USD.

Đại diện UBND TP. Hồ Chí Minh chia sẻ thêm, để chuẩn bị tận dụng các cơ hội ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, thời gian qua, các cấp chính quyền TP. Hồ Chí Minh luôn chủ động thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn, ngoài các hoạt động thông tin tuyên truyền đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa về Hiệp định EVFTA.  Thông qua đó giúp doanh nghiệp nắm bắt và tận dụng hiệu quả những ưu đãi từ hiệp định, đặc biệt là quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa (C/O).

Được biết, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, TP. Hồ Chí Minh đang tập trung xây dựng Đề án phát triển xuất khẩu đến năm 2025, định hướng năm 2030 để định hướng hoạt động xuất khẩu theo hướng chuyển dịch sang dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu. Theo đó, thành phố sẽ là trung tâm cung cấp dịch vụ xuất khẩu cho các tỉnh, thành phía Nam.

Đồng thời, TP. Hồ Chí Minh sẽ cơ cấu lại ngành hàng xuất khẩu theo hướng chuyển sang xuất khẩu sản phẩm tinh chế, có hàm lượng khoa học – công nghệ, giá trị gia tăng cao như: phần mềm, sản phẩm nội dung số; nông sản được canh tác – tinh chế bằng công nghệ cao… Đó là định hướng để vừa giữ được tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, vừa đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, khai thác về chiều sâu đối với các thị trường khó tính như EU.

Hơn thế nữa, trong mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, TP. Hồ Chí Minh định hướng trở thành trung tâm giao dịch, trung chuyển hàng hóa quan trọng ở Đông Nam Á. Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh đang xây dựng Đề án phát triển ngành logistics đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm phát triển hạ tầng và nâng cao chất lượng dịch vụ logistics, tạo nền tảng phát triển kinh tế và hỗ trợ hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố.

Hà Nội sẵn sàng đưa xuất khẩu lên “bệ phóng” EVFTA

Đại diện Sở Công thương Hà Nội cho hay, để có sự chuẩn bị tốt nhất cho việc thực thi Hiệp định EVFTA, Hà Nội đã khẩn trương xây dựng “Kế hoạch thực hiện EVFTA giai đoạn 2020 – 2025”. Trong thời gian qua, các sở, ngành, quận, huyện của thành phố đã xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể.

Về công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định EVFTA và thị trường của các nước EU, ngay từ năm 2019, thành phố đã tập trung phổ biến những nội dung về đặc điểm thị trường các nước trong EVFTA; cơ hội và thách thức khi thực hiện Hiệp định EVFTA; các cam kết chuyên sâu về đầu tư, dịch vụ, hải quan, mua sắm chính phủ, phòng vệ thương mại, sở hữu trí tuệ, nông, lâm, ngư nghiệp, lao động, môi trường; các rào cản phi thuế quan, rào cản kỹ thuật trong Hiệp định EVFTA…

Bên cạnh đó, Hà Nội chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua việc ban hành các chính sách hỗ trợ, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, khuyến khích khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xóa bỏ rào cản cho doanh nghiệp, nhất là về tiếp cận tín dụng, vay vốn, mặt bằng…

Đáng chú ý, Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu về triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thành lập mới về phí, kinh phí và tích hợp các dịch vụ tiện ích trong quy trình thực hiện các thủ tục hành chính về đăng ký kinh doanh nhằm giúp doanh nghiệp giảm bớt thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp, phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chủ lực.

Mặt khác, TP. Hà Nội cũng tích cực rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành trong quá trình thực thi hiệp định và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo phù hợp với các cam kết trong EVFTA tạo môi trường pháp lý minh bạch cho doanh nghiệp.

Đồng thời, chính quyền thành phố rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách về các quan hệ lao động, tiêu chuẩn lao động phù hợp với các tiêu chuẩn, cam kết, công ước quốc tế trong EVFTA.

Trong bối cảnh việc thực thi EVFTA đang cận kề, để thực hiện hiệu quả vai trò đầu tàu trong tiến trình thực thi nhằm nhanh chóng tận dụng hiệu quả cơ hội từ hiệp định này, hai địa phương đầu tàu kiến nghị Bộ Công thương sớm ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai, thực thi khi hiệp định có hiệu lực để giúp các doanh nghiệp nắm bắt thông tin và xây dựng kế hoạch xúc tiến xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU.

Đồng thời, các cơ quan chức năng cần tăng cường tập huấn chuyên sâu về hiệp định cũng như tăng cường công tác thông tin về các thị trường xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là thị trường liên minh EU; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến xuất khẩu, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa xuất khẩu hàng hóa vào thị trường EU…

Tuy nhiên, đại diện Sở Công thương Hà Nội cũng trăn trở, trong nỗ lực thực thi hiệu quả EVFTA, vai trò của cơ quan nhà nước là mở đường, dẫn dắt cho doanh nghiệp nhưng sự chủ động của doanh nghiệp trong việc nắm bắt thông tin, cơ hội, chuẩn bị về tâm thế và nguồn lực để đáp ứng yêu cầu của thị trường EU mới là điều kiện quan trọng nhất./.

Tố Uyên
Theo Thoibaotaichinhvietnam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *