Những ngành kinh doanh ngược dòng thị trường khó khăn

Chia sẻ ngay

Mặc dù dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến hầu hết các lĩnh vực kinh doanh nhưng nhiều nhóm ngành vẫn ngược dòng thị trường ghi nhận được kết quả tích cực trong quý 1.

Ngay khi dịch bệnh bùng nổ, cổ phiếu ngành dược đã “dậy sóng” vì được đánh giá là nhóm hưởng lợi, ít nhất trong ngắn hạn, nhờ nhu cầu gia tăng các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe và các thiết bị y tế.

Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (DHG) cho biết kết quả kinh doanh quý 1 tăng trưởng mạnh một phần nhờ nhu cầu tiêu thụ thuốc tăng, đặc biệt ở nhóm tăng sức đề kháng. Cùng với đó là việc tổ chức lại hệ thống phân phối, tập trung vào các sản phẩm chiến lược đã giúp tổng doanh thu tăng gần 12% so với cùng kỳ, đạt 858 tỉ đồng và lợi nhuận tăng gần 31%, đạt 177 tỉ đồng.

Những ngành kinh doanh ngược dòng thị trường khó khăn - ảnh 1

Tổng công ty cổ phần y tế Danameco (DNM) cũng báo lãi cao nhất trong vòng sáu năm qua tính theo quý nhờ đẩy mạnh sản xuất các thiết bị y tế có nhu cầu cao trong mùa dịch, gồm khẩu trang y tế và trang phục chống dịch.

Doanh thu quý 1 của Danameco đạt 127 tỉ đồng, gấp ba lần cùng kỳ nhưng lợi nhuận gấp đến 7,5 lần với 8,2 tỉ đồng. Ngay đầu tháng 2 khi dịch bùng phát, Danameco đã tập trung toàn lực đầu tư cho dây chuyền sản xuất các thiết bị y tế cung cấp cho thị trường.

Ngoại trừ công ty cổ phần Domesco ghi nhận kết quả kinh doanh sụt giảm so với cùng kỳ, hầu hết các hãng dược trong nước có kết quả quý 1 tích cực.

Tuy nhiên các công ty dược cũng gặp bất lợi do gián đoạn nhập khẩu nguyên vật liệu. Công ty chứng khoán Bản Việt trong một báo cáo phân tích về DHG cho rằng do dịch Covid-19 làm gián đoạn hoạt động sản xuất API của Trung Quốc có thể làm ảnh hưởng đến biên lợi nhuận các sản phầm tự sản xuất khi quốc gia này là nhà cung cấpAPI chính trên toàn cầu.

Các nhà phân tích công ty chứng khoán BSC cũng cho rằng doanh thu ngành dược nội địa có thể giảm 2% nếu dịch được kiểm soát cuối quý 2 và giảm 7% nếu kéo dài đến cuối 2020. Theo đó, BSC cho rằng những doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, nợ thấp sẽ chống chọi tốt hơn với khó khăn ngắn hạn.

Bên cạnh dược phẩm, tác động kép của dịch bệnh và cuộc chiến giá dầu đã đẩy giá dầu thô xuống mức thấp kỷ lục nhưng là động lực tốt cho các ngành như cao su săm lốp. Giá dầu tác động trực tiếp đến giá các nguyên nhiên liệu nguyên vật liệu chủ yếu nhập khẩu để sản xuất săm lốp như than đen, vải mành, bố thép…

Lợi nhuận của công ty cổ phần công nghiệp cao su miền Nam (Casumina) tăng gấp sáu lần so với cùng kỳ, đạt 12,7 tỉ đồng mặc dù doanh thu chỉ tăng 11,6% – đạt 944 tỉ đồng. Theo Casumina, doanh thu tăng chủ yếu từ tăng trưởng của mảng xuất khẩu chiếm khoảng 35% tổng doanh thu, trong khi giá vốn chỉ tăng 7% chủ yếu từ tăng sản lượng, theo đó lãi gộp cao hơn so với cùng kỳ.

Theo đó năm 2020, Casumina lên kế hoạch doanh thu gần 5.000 tỉ đồng, động lực chủ yếu từ mảng xuất khẩu dự kiến sẽ lên đến 48% tổng doanh thu. Lợi nhuận trước thuế 150 tỉ đồng, gấp 2,3 lần cùng kỳ 2019. Kế hoạch này trên cơ sở cân nhắc các yếu tố tác động từ dịch Covid-19 và cơ hội xuất khẩu từ Hiệp định thương mại Việt Nam – EU dự kiến có hiệu lực trong năm nay.

Công ty cổ phần cao su Đà Nẵng (DRC) cũng cho biết với việc sụt giảm giá mua nguyên liệu hỗ trợ lợi nhuận tăng trưởng hơn 122% so với cùng kỳ đạt 37,4 tỉ đồng dù doanh thu 803 tỉ đồng, giảm 2,4%.

Tương tự ngành cao su, các công nhựa cũng hưởng lợi từ giá dầu giảm đã có một quý tăng trưởng trưởng khả quan. Nhựa Bình Minh ghi nhận doanh thu quý 1 tăng 10% so với cùng kỳ, đạt 1.019 tỉ đồng và lợi nhuận tăng 12% – đạt 102 tỉ đồng.

Công ty Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP) cũng báo lãi tăng 5,6% đạt hơn 75,6 tỉ đồng dù doanh thu giảm nhẹ 4%, đạt 959 tỉ đồng. NTP hiện nắm giữ hơn 70% thị phần ống và phụ tùng nhựa tại miền Bắc và khoảng 30% so với cả nước, theo báo cáo phân tích từ công ty chứng khoán Stanley Brothers (SBSI).

SBSI cho rằng ngoài xu hướng giảm giá nguyên liệu đầu vào, doanh nghiệp nhựa còn có cơ hội hưởng lợi từ chính sách thúc đẩy đầu tư công trong năm 2020 của Chính phủ như biện pháp để đẩy nhanh quá trình phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch.

Ngành nhựa đã chứng kiến giai đoạn tăng trưởng rất mạnh từ 2012-2017 với mức trung bình 11,62%/năm. Mordor Intelligence Research dự báo thị trường nhựa Việt Nam tăng trưởng lũy kế hàng năm (CAGR) khoảng 6,63% giai đoạn 2018-2023.

Những ngành kinh doanh ngược dòng thị trường khó khăn - ảnh 2

Nguồn: Báo cáo triển vọng quý 2 năm 2020 của BSC

Dịch bệnh cũng là cơ hội của các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa thiết yếu. Với thị phần khoảng 30% trong ngành dầu ăn, tập đoàn Kido báo doanh thu và lợi nhuận quý 1 tăng khoảng 11% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt lần lượt 1.726 tỉ đồng và 47,8 tỉ đồng.

Trong khi đó, dù báo lỗ lần đầu tiên sau khi nhận sáp nhập chuỗi bán lẻ của Vingroup nhưng Masan cho biết doanh thu của mảng tiêu dùng bán lẻ vẫn tăng mạnh trong quý 1 nhờ vào nhu cầu tích trữ hàng hóa mạnh trong mùa dịch. Cụ thể, doanh thu ngành hàng tiêu dùng tăng 22,4% nhờ vào ngành hàng thực phẩm tiện lợi và thịt chế biến. Đặc biệt kênh bán lẻ hiện đại đã tăng 75%.

Mặc dù Vincommerce vẫn chưa thoát lỗ nhưng Masan cho biết doanh thu của chuỗi này sau khi Masan tiếp quản đã tăng 40% so với mức tăng 17% của quý 1 năm ngoái.

Theo công ty chứng khoán BSC, trong quý I tăng trưởng tiêu dùng một số mặt hàng thiết yếu tăng chậm lại 7-9% so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng trưởng bình quân của các mặt hàng đang giảm từ 3-5% do tâm lý người tiêu dùng hạn chế mua sắm nơi công cộng và giữ tiền mặt khi nền kinh tế khó khăn. Một số mặt hàng tăng so với cùng kỳ như lương thực và thực phẩm (+9,3%), xăng dầu (+8,4%), trang thiết bị gia đình (+7,7%)…

Nguồn: Forbesvietnam.com.vn

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *