Bộ Tài chính: Cải cách đồng bộ thủ tục hành chính hỗ trợ doanh nghiệp

Chia sẻ ngay

(TBTCVN) – Nhiều năm qua, lĩnh vực thuế và hải quan luôn trong nhóm dẫn đầu về chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (TTHC) thấp nhất. 6 năm liên tiếp Bộ Tài chính đứng trong top 3 của bảng xếp hạng Par Index.

Đó là kết quả của nỗ lực không ngừng nghỉ của Bộ Tài chính trong cải cách thể chế, cải cách TTHC. Thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục đổi mới toàn diện quy trình quản lý, cải cách đồng bộ các TTHC, hỗ trợ hơn nữa cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp (DN).

Cắt giảm, đơn giản hóa TTHC nhiều lĩnh vực

Triển khai công tác cải cách hành chính theo Quyết định số 2763/QĐ-BTC ngày 26/12/2019, tính đến hết ngày 27/4, Bộ Tài chính đã thực hiện 71/180 nhiệm vụ trong đó hoàn thành 29 nhiệm vụ có tiến độ trong 4 tháng đầu năm và triển khai 38 nhiệm vụ thường xuyên. Tính từ đầu năm đến ngày 27/4/2020, Bộ Tài chính ban hành 2 quyết định công bố bãi bỏ 18 TTHC, đơn giản hoá 11 TTHC thuộc lĩnh vực quản lý công sản và kho bạc nhà nước.

Tổng số TTHC thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính là 936 TTHC, trong đó thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 1 là 101 thủ tục, mức độ 2 là 293 thủ tục, mức độ 3 là 208 thủ tục, mức độ 4 là 334 thủ tục. Hiện nay, Bộ Tài chính hoàn thành tích hợp, chia sẻ kết nối 7 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Bộ phận một cửa tại Bộ Tài chính tiếp tục vận hành và hoạt động ổn định. Tính đến ngày 25/4, đã tiếp nhận 294 hồ sơ TTHC thuộc 4 lĩnh vực bảo hiểm, kế toán – kiểm toán, tin học và giá. Trong đó, các đơn vị đã giải quyết và trả kết quả cho cá nhân, tổ chức 190 hồ sơ và đang giải quyết trong hạn 104 hồ sơ, không có hồ sơ quá hạn.

Bộ Tài chính cũng đã tiếp tục vận hành và kết nối với trục liên thông văn bản quốc gia ổn định, đảm bảo hiệu quả. Từ đầu năm đến nay, Bộ Tài chính nhận được 35.339 văn bản điện tử từ Trục liên thông văn bản quốc gia. Số văn bản điện tử gửi từ Bộ Tài chính tới Trục liên thông văn bản quốc gia là 5.883 văn bản.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính tiếp tục mở rộng triển khai các dịch vụ khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử; vận hành ổn định và nâng cao hiệu quả Hệ thống thông quan tự động (VNACCA/VCIS); triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN…

Đối với lĩnh vực thuế, số lượng DN đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử, với cơ quan thuế là hơn 766.000 DN, đạt tỷ lệ 99,8%. Từ đầu năm đến ngày 17/4/2020, các DN đã nộp tiền thuế thông qua gần 1,4 triệu giao dịch nộp thuế điện tử, với số tiền là hơn 206.000 tỷ đồng và gần 13 triệu USD.

Trong lĩnh vực hải quan, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành, hoàn thành triển khai mới 71 TTHC trên Cơ chế một cửa quốc gia trong năm 2020. Tính đến ngày 15/4/2020, đã có 13 bộ, ngành tham gia kết nối; 198 TTHC được đưa lên Cơ chế một cửa quốc gia với tổng số hồ sơ hành chính đã được xử lý hơn 3 triệu bộ hồ sơ và hơn 36 nghìn DN tham gia.

Trong lĩnh vực chứng khoán, Bộ Tài chính đã cắt giảm các TTHC (giảm thời gian xử lý hồ sơ mua cổ phiếu quỹ của DN từ 7 ngày xuống còn 24 giờ) tạo điều kiện cho DN mua cổ phiếu quỹ và đã có 26 DN đăng ký mua cổ phiếu quỹ (từ 16/3 đến 15/4), với tổng số cổ phiếu đăng ký mua là hơn 170 triệu cổ phiếu, tương đương 3.123 tỷ đồng, giúp các DN cơ cấu lại cổ đông và báo cáo tài chính.

Công bố mới đây của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ là minh chứng rõ nhất những nỗ lực trong nhiều năm của Bộ Tài chính. Bộ tiếp tục đứng thứ hai trong bảng xếp hạng năm 2019 (ParIndex 2019), ghi dấu ấn 6 năm liên tiếp đứng trong top 3 của bảng xếp hạng này.

Rà soát để cắt giảm thủ tục trong tất cả các lĩnh vực

Việc cắt giảm, đơn giản hóa TTHC càng có ý nghĩa trong bối cảnh dịch Covid-19 thời gian qua. Công tác quản lý của ngành Tài chính vẫn được đảm bảo thực hiện thông suốt, hiệu quả.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ đẩy mạnh cải cách TTHC theo hướng tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân, DN. Bộ tiếp tục nhận và trả kết quả giải quyết TTHC theo Cơ chế một cửa của Bộ Tài chính; theo dõi và bám sát chấm điểm chỉ số CCHC của Bộ Tài chính năm 2019. Đồng thời, Bộ Tài chính triển khai đánh giá, chấm điểm Chỉ số CCHC của các đơn vị thuộc bộ.

Về tổng thể, Bộ Tài chính thực hiện kiểm soát chặt chẽ việc ban hành TTHC trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực tài chính; rà soát và đề xuất các phương án cắt giảm, đơn giản hóa TTHC trong tất cả các lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính. Bộ sẽ tập trung nghiên cứu giảm thời gian, giảm hồ sơ, giấy tờ và chi phí thực hiện TTHC liên quan trực tiếp đến người dân, DN; kịp thời chấn chỉnh, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết TTHC.

Để tiếp tục hỗ trợ hơn nữa cho người dân và DN, Bộ Tài chính sẽ tăng cường hiện đại hóa hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực quản lý. Là một bộ đa ngành, đa lĩnh vực với phạm vi quản lý rộng, có nhiều lĩnh vực liên quan trực tiếp tới quyền lợi của người dân, DN, để được đánh giá cao về công tác CCHC là rất khó khăn. Đặc biệt trong bối cảnh bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã, đang và sẽ triển khai các giải pháp nhằm cải cách đồng bộ TTHC, đổi mới quy trình quản lý.

Theo ông Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch thường trực, Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, Bộ Tài chính luôn là bộ tiên phong trong công tác cải cách TTHC, nhất là trong lĩnh vực thuế, hải quan, giúp giảm mạnh thời gian nộp thuế và thông quan hàng hóa. Đặc biệt, mức độ cải cách TTHC của ngành Tài chính luôn được duy trì liên tục, ổn định trong nhiều năm, theo phương châm lấy sự hài lòng của người dân và DN làm trung tâm, là thước đo của công tác CCHC. Cộng đồng DN kỳ vọng công tác CCHC của ngành Tài chính sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, để hỗ trợ hơn nữa cho người dân và DN.

Minh Anh
Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *