Địa vị pháp lý của giám đốc tài chính trong doanh nghiệp

Chia sẻ ngay

Khái quát địa vị pháp lý của chức danh giám đốc tài chính trong doanh nghiệp trong các văn bản pháp luật về doanh nghiệp và các lĩnh vực có liên quan.

Hệ thống văn bản pháp luật gần như chưa có quy định về địa vị pháp lý cũng như quyền và nghĩa vụ của chức danh giám đốc tài chính trong doanh nghiệp. Khái niệm giám đốc tài chính cũng có được nhắc đến nhưng chỉ trong một vài quy định pháp luật chuyên ngành ví dụ trong lĩnh vực kế toán và chứng khoán. Cụ thể, Khoản 3 Điều 15 Luật chứng khoán 2006 quy định:

“a) Đối với việc chào bán cổ phiếu, trái phiếu ra công chúng, Bản cáo bạch phải có chữ ký của Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Giám đốc tài chính hoặc Kế toán trưởng của tổ chức phát hành và người đại diện theo pháp luật của tổ chức bảo lãnh phát hành hoặc tổ chức bảo lãnh phát hành chính (nếu có). Trường hợp ký thay phải có giấy uỷ quyền;”.

Trên thực tế, trong nhiều doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc hoạt động theo mô hình doanh nghiệp nước ngoài, vị trí giám đốc tài chính cũng như kế toán trưởng là những vị trí độc lập và vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp.

Tham khảo thêm: CFO là gì? CHỨC NĂNG & NHIỆM VỤ CỦA GIÁM ĐỐC TÀI CHÍNH

Công việc và vai trò của giám đốc tài chính cũng khác biệt rất nhiều so với kế toán trưởng hay nhân viên kế toán trong doanh nghiệp. Bộ phận kế toán thực hiện vai trò thống kê chi tiêu trong doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp tiết kiệm các khoản chi phí, tăng lợi nhuận thông qua việc triển khai các quy trình, quy định trong doanh nghiệp. Trong khi đó, giám đốc tài chính thường là những người thông qua các số liệu thống kê hay diễn biến thị trường để đưa ra những chính sách về quản trị tài sản, quyết định chiến lược đầu tư, kinh doanh hợp lý để mang về lợi nhuận cho doanh nghiệp. Như vậy có thể nói nhiệm vụ chính của kế toán trưởng và hệ thống kế toán là thực hiện các nghiệp vụ kế toán trong doanh nghiệp thì giám đốc tài chính đã vươn tới một tầm cao hơn trong việc vận dụng các công cụ tài chính linh hoạt để tối ưu hoá hiệu quả việc sử dụng nguồn vốn của doanh nghiệp, tạo ra doanh thu nhiều hơn chứ không đơn giản chỉ là tiết kiệm chi phí.

Tuy nhiên có một thực tế là ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam, thì hai vị trí này thường được gộp lại và giao cho một người nhằm mục đích tiết kiệm chi phí. Điều này có thể dẫn đến việc hiểu sai về vị trí Giám đốc tài chính trong doanh nghiệp. Để trở thành một giám đốc tài chính giỏi, bạn cần phải chuẩn bị một nền tảng kiến thức về tài chính, kế toán vững chắc đồng thời cũng cần sự nhạy bén trong việc nắm bắt cơ hội, đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh.

Nguồn: THẾ GIỚI LUẬT

Chắc bạn sẽ quan tâm:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *