[TIPS] 20 câu hỏi phỏng vấn giám đốc tài chính (CFO) phổ biến nhất

Chia sẻ ngay

[TIPS] 20 câu hỏi phỏng vấn giám đốc tài chính (CFO) phổ biến nhất - ảnh 1

Bạn đang ứng tuyển vị trí giám đốc tài chính (CFO)? Nhà tuyển dụng mời bạn tham gia vào vòng phỏng vấn? Bạn sẽ gặp phải những câu hỏi như thế nào? Làm sao để trả lời những câu hỏi đó một cách phù hợp?

Menu

20 câu hỏi phỏng vấn giám đốc tài chính CFO

1. Lãnh đạo muốn đưa ra một quyết định mang tính rủi ro tài chính cao. Bạn xử lý tình huống này như thế nào?

Nhà tuyển dụng đưa ra câu hỏi này với mục đích đánh giá khả năng giao tiếp của bạn. Đối với một tình huống có thể xảy ra mâu thuẫn như vậy, bạn sẽ làm thế nào để vừa giữ được mối quan hệ phù hợp với cấp trên, đồng thời đảm bảo được lợi ích của doanh nghiệp, tránh rủi ro đáng tiếc?

2. Bạn thấy thoải mái hoặc không thoải mái khi làm việc trong lĩnh vực quản lý tài chính nào nhất?

Câu trả lời của bạn đối với câu hỏi này sẽ cho nhà tuyển dụng biết liệu bạn có những kinh nghiệm mà họ cần cho vị trí họ đang tuyển dụng hay không. Do vậy, để có một câu trả lời phù hợp, hãy đọc kỹ lại bản mô tả công việc của vị trí mà bạn đang ứng tuyển. Từ những thông tin mà bạn có, hãy cố gắng thể hiện một cách chân thực nhất rằng bạn có những điều họ cần.

3. Bạn làm thế nào nếu dự báo doanh thu của doanh nghiệp giảm trong năm tới?

Việc dự báo doanh thu giảm là một tình huống mà bất cứ doanh nghiệp nào đều có thể gặp phải. Vậy bạn có thể làm gì để giúp doanh nghiệp khắc phục khó khăn và tiến tới phát triển đi lên? Bạn sẽ ra những chiến lược hay quyết định gì? Gặp gỡ nhà đầu tư? Thay đổi đối tượng khách hàng? Đưa ra những sản phẩm mới? Câu trả lời của bạn có thể giúp nhà tuyển dụng đánh giá liệu họ có thể tin tưởng vào khả năng quản lý tài chính của bạn.

[TIPS] 20 câu hỏi phỏng vấn giám đốc tài chính (CFO) phổ biến nhất - ảnh 2

4. Bạn đánh giá khả năng đem lại lợi nhuận của một quyết định đầu tư như thế nào?

Bạn có nhận biết được một cơ hội đầu tư tốt? Bạn có biết được cơ hội đầu tư nào sẽ đem lại rủi ro lớn cho doanh nghiệp? Điều này phụ thuộc vào khả năng phân tích, đánh giá thị trường và độ nhạy bén với cơ hội kinh doanh của bạn. Bạn sẽ mạo hiểm hay sẽ suy xét một cách kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định? Nhà tuyển dụng sẽ xem liệu những gì mà bạn có có phù hợp với cách hoạt động của doanh nghiệp. Do vậy, một lần nữa, hãy tìm hiểu kỹ về công ty mà bạn muốn ứng tuyển vào.

5. Khi bạn xây dựng chiến lược, bạn cân nhắc đến những thông tin nào? Bạn sẽ cần đến sự tham gia của những ai?

Ở câu hỏi này, nhà tuyển dụng muốn đánh giá bạn ở ba yếu tố:

Kinh nghiệm tài chính kế toán: bạn có những kiến thức, trải nghiệm thực tế gì giúp bạn ra quyết định một cách có căn cứ.
Kỹ năng ra quyết định: bạn có thể đưa ra những quyết định chính xác và phù hợp với doanh nghiệp?
Kỹ năng làm việc nhóm: bạn có thể dẫn dắt một nhóm làm việc hiệu quả để đưa ra được những quyết định đúng đắn?

6. Quan hệ của bạn với CEO như thế nào?

Bạn xây dựng và duy trì mối quan hệ với người điều hành doanh nghiệp như thế nào? Bạn có biết nghệ thuật hợp tác? Bạn xử lý như thế nào nếu có mâu thuẫn? Bạn cùng CEO làm việc như thế nào để cùng vận hành doanh nghiệp hoạt động một cách trơn tru?

[TIPS] 20 câu hỏi phỏng vấn giám đốc tài chính (CFO) phổ biến nhất - ảnh 3

7. Bạn thành thạo công cụ online, hay phần mềm kế toán nào?

Hiện nay, trong nền kinh tế liên tục phát triển, kỹ năng về kế toán là một trong những kỹ năng được mong đợi nhất ở ứng viên ứng tuyển vị trí giám đốc tài chính. Trong trường hợp bạn không có kinh nghiệm sử dụng những phần mềm phổ biến, hãy dành thời gian tìm hiểu kỹ về chúng.

Ở buổi phỏng vấn, bạn có thể nói về những hiểu biết của mình cũng như mong muốn được học hỏi thêm trong quá trình làm việc.

8. Bạn nghĩ rằng làm giám đốc tài chính (CFO) trong một tổ chức phi lợi nhuận khác gì với trong một doanh nghiệp?

Hai vị trí này ảnh hưởng như thế nào đến con đường phát triển sự nghiệp, cuộc sống cá nhân cũng như gia đình của bạn. Bạn từng có kinh nghiệm ở vị trí nào? Hãy chia sẻ những trải nghiệm và suy nghĩ thật của bạn.

9. Bạn có thể cho tôi biết sự khác biệt giữa bút toán và sổ cái kế toán?

Đây không phải một câu hỏi mẹo. Nhà tuyển dụng chỉ đơn giản muốn biết về kiến thức của bạn đối với những khái niệm cơ bản. Bạn ở vị trí cấp cao, bạn giỏi về nghiệp vụ. Tuy nhiên, một số khái niệm đơn giản có thể khiến bạn mất điểm trong một vài tình huống công việc. Vì vậy, nhà tuyển dụng muốn chắc chắn rằng, bạn có một nền tảng vững chắc để đối phó với bất kỳ một trường hợp nào.

Bút toán là một thuật ngữ kế toán dùng để chỉ việc ghi nhận chi tiết các giao dịch tài chính, kế toán vào sổ kế toán (phần mềm kế toán hoặc sổ sách viết tay). Một bút toán có thể bao gồm nhiều hạng mục khác nhau, mỗi hạng mục tương ứng với định khoản “nợ” hoặc định khoản “có”. Một bút toán được coi là cân khi tổng các định khoản nợ bằng tổng các định khoản có. Các hạng mục trong bút toán có thể là duy nhất hoặc lặp đi lặp lại.

Sổ cái kế toán lưu trữ tất cả các dữ liệu kế toán của doanh nghiệp. Sổ cái kế toán là phần con thuộc bút toán.

10. Khi nào thì một doanh nghiệp nên phát hành cổ phiếu thay vì vay nợ để huy động vốn?

[TIPS] 20 câu hỏi phỏng vấn giám đốc tài chính (CFO) phổ biến nhất - ảnh 4

Trong kinh doanh, việc huy động vốn là vô cùng quan trọng khi bản thân doanh nghiệp không thể luôn luôn có đủ dòng tiền cho mọi hoạt động. Tuy nhiên, khi nào thì nên phát hành cổ phiếu và khi nào thì nên vay nợ. Có hai lý do chính cho việc phát hành cổ phiếu:

– Khi dự án kéo dài và thời gian hoàn vốn lâu.
– Khi doanh nghiệp đã có nhiều khoản nợ, việc tiếp tục vay nợ là không dễ dàng. Khi này phát hành cổ phiếu sẽ giúp doanh nghiệp cân bằng các rủi ro.

11. Hãy kể về một chiến lược tài chính thành công nhất của bạn.

Câu hỏi này được đưa ra để hỏi về kinh nghiệm của bạn. Hãy nhớ lại chiến lược tài chính thành công nhất mà bạn từng thực hiện. Chiến lược này liên quan đến lĩnh vực gì? Bạn đã gặp khó khăn gì? Bạn đã giải quyết khó khăn đó như thế nào? Chiến lược này đã mang lại lợi ích gì cho doanh nghiệp? Việc vượt qua khó khăn đó đã giúp ích gì cho việc phát triển nghề nghiệp của bạn. Bạn cũng có thể nói thêm một câu chuyện ấn tượng liên quan đến chiến lược đó.

Nhà tuyển dụng sẽ đánh giá xem kinh nghiệm này có thể giúp bạn mang lại lợi ích cho doanh nghiệp họ khi ở vị trí giám đốc tài chính.

Xem thêm: VAI TRÒ NGÀY NAY CỦA GIÁM ĐỐC TÀI CHÍNH (CFO)

12. Đối tượng khách hàng của công ty bạn là những ai? Đối tượng này có từng thay đổi?

Bạn có nắm được đối tượng khách hàng của doanh nghiệp mình? Bạn có cập nhật được thay đổi? tại sao đối tượng khách hàng của doanh nghiệp lại thay đổi (chuyển sang đối tượng khác hoặc mở rộng thêm đối tượng)? Nhà tuyển dụng mong muốn ở ứng viên những hiểu biết nhất định về ngành công nghiệp cũng như khách hàng và đối tác của doanh nghiệp.

13. Trong việc lên ngân sách, bạn thấy phần nào có tính thách thức lớn nhất?

Lên ngân sách cũng là một trong những nhiệm vụ một giám đốc tài chính cần thực hiện. Câu hỏi này được nhà tuyển dụng đưa ra một lần nữa nhằm hỏi về kinh nghiệm của bạn đối với vai trò này. Khi lên ngân sách, bạn đã gặp khó k

hăn gì lớn nhất và bạn đã khắc phục như thế nào để đạt được hiệu quả cao nhất. Trong trường hợp bạn chưa từng gặp phải thách thức gì quá lớn, hãy cân nhắc đến những thách thức trong tương lai mà bạn có thể gặp phải.

[TIPS] 20 câu hỏi phỏng vấn giám đốc tài chính (CFO) phổ biến nhất - ảnh 5

14. Cơ cấu vốn là gì và nguyên tắc quản lý cơ cấu vốn?

Nhà tuyển dụng tất nhiên muốn biết liệu bạn có hiểu về vốn và cách quản lý vốn hiệu quả cho doanh nghiệp họ. Việc huy động vốn yêu cầu sự kết hợp giữa vay nợ và phát hành cổ phiếu. Việc quản lý cơ cấu vốn hiệu quả sẽ đảm bảo vốn cho sự phát triển của doanh nghiệp trong tương lai và nâng cao hiệu suất tài chính của doanh nghiệp. Các nguyên tắc quản lý cơ cấu vốn bao gồm:

– Nguyên tắc chi phí
– Nguyên tắc rủi ro
– Nguyên tắc quản lý
– Nguyên tắc linh hoạt
– Nguyên tắc thời gian

15. Bạn biết gì về kế toán tài chính?

Đây lại là một câu hỏi liên quan đến kiến thức. Kế toán tài chính là việc ghi chép, tổng hợp số liệu, lập các báo cáo tài chính để cung cấp thông tin chủ yếu cho các đơn vị bên ngoài doanh nghiệp, bao gồm các cổ đông, các cơ quan thuế, thanh tra, ngân hàng.

16. Bạn có thể kể về một tình huống bạn đã đàm phán khiến đôi bên cùng có lợi?

Hãy cẩn thận với câu hỏi này. Mục đích của nhà tuyển dụng khi hỏi là nhằm tìm hiểu liệu bạn có khả năng giao tiếp, truyền đạt thông tin để đạt được sự chấp thuận và đồng tình. Do vậy, hãy suy nghĩ kỹ trước khi trả lời. Chọn một tình huống điển hình và nói một cách ngắn gọn.

17. Cấu trúc nội bộ của bộ phận tài chính trong một doanh nghiệp vừa và lớn?

Tất nhiên, không có tiêu chuẩn nào về câu trả lời cho câu hỏi này vì đơn giản cấu trúc nội bộ của bộ phận tài chính có thể khác nhau tùy theo doanh nghiệp. Mặc dù vậy, nhà tuyển dụng muốn biết liệu khi ở vị trí cấp cao, bạn có thể bao quát và hiểu rõ về toàn bộ bộ phận tài chính hay không? Liệu bạn có thể trả lời cho câu hỏi đơn giản là cấu trúc nội bộ của bộ phận tài chính gồm những gì?

18. Bạn cảm thấy điều gì thúc đẩy hiệu quả làm việc của bạn?

Khi nhà tuyển dụng đặt ra câu hỏi này, họ muốn biết liệu những điều thúc đẩy hiệu quả làm việc của bạn có khiến bạn là một ứng viên phù hợp cho vị trí giám đốc tài chính cũng như với doanh nghiệp của họ. Hãy trả lời những ý có liên quan đến mô tả công việc.

19. Bạn làm thế nào để thuyết phục người khác theo quan điểm của bạn?

Ở vị trí giám đốc tài chính, đôi khi bạn sẽ cần sử dụng khả năng thuyết phục khiến người khác tin vào chuyên môn, nghe theo lời khuyên của mình và sử dụng dịch vụ của danh nghiệp.

Nhà tuyển dụng muốn chắc chắn rằng bạn có thể xác định được cách tiếp cận tốt nhất để đạt được những gì bạn mong muốn.

20. Bạn có câu hỏi gì cho chúng tôi không?

Đây có vẻ là một trong những câu hỏi thường xuyên được sử dụng nhất để kết thúc buổi phỏng vấn. Nên nhớ, thay vì trả lời rằng: “tôi không có câu hỏi gì”, hãy đặt ra một vài câu hỏi với nhà tuyển dụng để thể hiện sự quan tâm sâu sắc của bạn tới vị trí giám đốc tài chính mà bạn đang ứng tuyển. Tuy nhiên, đừng hỏi những câu hỏi mà tự bạn có thể tìm thấy câu trả lời. Nhà tuyển dụng sẽ cho rằng bạn không thật sự dành thời gian nghiên cứu về doanh nghiệp.

Trở thành một giám đốc tài chính

Nếu bạn cảm thấy phù hợp với công việc giám đốc tài chính, bạn có thể cân bằng được các nhiệm vụ, bạn có thể chịu trách nhiệm cho các hoạt động tài chính, đây chính là vị trí phù hợp với bạn.

Trước hết, để trở thành một giám đốc tài chính, bạn cần đạt được những yêu cầu cơ bản về bằng cấp và học vấn. Những chương trình đào tạo chuyên sâu về tài chính, kế toán hoặc kinh doanh trong trường học có thể cung cấp cho bạn những kiến thức và kỹ năng cần thiết để đảm nhiệm vai trò giám đốc tài chính này. Bằng cử nhân là bước đầu tiên. Tiếp theo, bạn có thể chuyển sang nghiên cứu nâng cao với các khóa đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ.

Bạn cũng cần có kinh nghiệm thực tiễn đối với vị trí giám đốc tài chính hoặc tương đương. Hãy bắt đầu với những công ty nhỏ. Nếu bạn đã từng là kế toán trưởng, kinh nghiệm này cũng sẽ giúp ích rất nhiều cho bạn trong quá trình tiến đến vị trí giám đốc tài chính.

Nhà tuyển dụng mong muốn gì ở một giám đốc tài chính

1. Kiến thức và sự yêu thích đối với ngành công nghiệp mà doanh nghiệp hoạt động

Ở vị trí giám đốc tài chính, bạn không chỉ cần thông thạo về các lĩnh vực tài chính mà còn cần có những hiểu biết nhất định về ngành công nghiệp mà doanh nghiệp đang hoạt động. Bạn cần quan tâm đến đối tượng khách hàng cũng như các bên đối tác của doanh nghiệp.

2. Kỹ năng giao tiếp tốt

Bạn cần có khả năng giao tiếp tốt với nhiều đối tượng khác nhau, bao gồm đối tác, khách hàng, lãnh đạo cấp trên và nhân viên cấp dưới. Kỹ năng này sẽ giúp bạn đạt được những mục tiêu công việc của vị trí giám đốc tài chính.

3. Khả năng lãnh đạo

Đây là yêu cầu tất yếu đối với một vị trí giám đốc cấp cao như CFO. Bạn cần có khả năng lãnh đạo nhóm đạt được mục tiêu chung để đưa doanh nghiệp tiến lên phía trước.

4. Đáng tin cậy

CFO là một trong những người “đứng mũi chịu sào” cho doanh nghiệp. Khi có vấn đề xảy ra, chủ doanh nghiệp cũng như những nhân sự trong doanh nghiệp hiểu rằng họ có thể dựa vào bạn để cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

5. Hòa nhập được với văn hóa doanh nghiệp

Nếu bạn không hòa nhập được với văn hóa của doanh nghiệp, rất khó để bạn có thể trở thành một thể thống nhất với nó và đưa doanh nghiệp tiến đến thành công. Các chủ doanh nghiệp luôn muốn tìm kiếm những ứng viên có khả năng thích nghi và phát triển trong môi trường làm việc của doanh nghiệp họ.

Theo: hrchannels.com

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *